[Xã hội-Hà Nội Mới] - Cơ chế, chính sách về giảm nghèo còn nhiều bất cập

(HNM) - Ngày 25-3, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của Quốc hội đã tổ chức họp, nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Chính phủ báo cáo giải trình lần hai về vấn đề này.



Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến nay Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp tại 15 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều tỉnh ở vùng miền núi khó khăn. Đặc biệt, đoàn đã tiếp cận với trên 500 hộ nghèo. Qua giám sát cho thấy, tỷ lệ nghèo đã giảm đáng kể. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 14,2% thì đến 2013 còn 7,8%. Tuy vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, khu vực đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ nghèo quá cao (47%). Ngoài ra, một bộ phận hộ nghèo trong khu vực đô thị công nghiệp, khu chế xuất chưa được quan tâm. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần chú ý đến các đối tượng trên trong quá trình phân bổ nguồn lực và phối hợp điều hành giảm nghèo bền vững…

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ kiến nghị Quốc hội nhiều định hướng lớn về giảm nghèo trong thời gian tới, trong đó có việc xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Điều đó có nghĩa chuẩn nghèo không chỉ tập trung vào vấn đề thu nhập mà còn nên xem xét ở khả năng, mức độ tiếp cận sử dụng và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản khác.