[Nhà đất-QĐND] - "Thổi hồn" cho Khu di tích Điện Biên Phủ

QĐND - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đem lại cho tỉnh Điện Biên một vinh dự ngàn đời mà không phải các địa danh của các cuộc chiến tranh nào trên thế giới cũng có được. Từ cuối tháng 2-2014, ở thành phố Điện Biên Phủ đã sôi động bởi những dòng người từ khắp các địa phương trong cả nước và cả khách nước ngoài đổ về bằng hai con đường-đường hàng không và theo đường số 6, từ Hà Nội qua Hòa Bình, Sơn La, lên Điện Biên để được chiêm ngưỡng, trải nghiệm một di sản Văn hóa Quân sự đặc sắc đã đi vào lịch sử nhân loại như một thắng lợi về giải phóng con người và tiến bộ xã hội.

Một người bạn Pháp khi thăm Điện Biên Phủ đã nói: “Tới Hà Nội hôm trước, hôm sau tôi mua vé lên Điện Biên ngay. Nếu chưa đến Điện Biên coi như chưa đến Việt Nam, các bạn có một tài sản vô giá ở đây”. Nhiều chính khách, nhà ngoại giao, nhà lịch sử, các cựu chiến binh, các tướng lĩnh từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên, khách du lịch đã tới Điện Biên. Nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu các nước đã viết nhiều về đề tài Điện Biên Phủ như: “Sức người kéo pháo”, “Bếp Hoàng Cầm”, “Dân công hỏa tuyến”, “Xẻng bộ binh-một kỳ tích”,…

Chạy đua với thời gian

Sáu mươi năm đã qua kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các cấp, các ngành từ Trung ương tới tỉnh Điện Biên, mà trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó, nòng cốt là Ban Quản lý dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ, thành lập từ năm 2002, do Phó giám đốc sở trực tiếp làm Trưởng ban cùng với Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên đã có nhiều cố gắng trong hoạt động bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, dù có nỗ lực tới đâu, với sự đầu tư hàng trăm tỷ đồng thì việc bảo tồn, tôn tạo một quần thể di tích đồ sộ như Điện Biên hiện nay, vẫn chưa xứng tầm, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân ta và bè bạn quốc tế. Khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ được trải rộng với hàng trăm héc-ta và cùng với hàng trăm di tích, nhưng trong đó mới có hơn hai mươi di tích đã xếp hạng. Khi làm việc với chúng tôi, Trưởng ban Quản lý dự án Đào Ngọc Lượng rất trăn trở: “Dù rất cố gắng nhưng chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để kịp phục vụ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.


Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh minh họa/kyluc.vn.

Đúng thế, việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ không hề đơn giản. Diện tích lớn, di tích nằm rải rác ở cả bên ngoài lòng chảo Điện Biên, hạ tầng cơ sở chưa phát triển, khí hậu khắc nghiệt là một thách thức rất lớn với Ban Quản lý dự án trong khi đội ngũ chuyên môn còn nhiều bất cập.

Đồi A1, điểm cao có ý nghĩa về mặt chiến thuật và chiến dịch, chính vì thế ta và địch giằng co nhau từ tối 30-3 đến mờ sáng 7-5, cả hai bên đều thương vong rất lớn. Có những trận, bộ đội ta và lính Pháp chiến đấu giáp lá cà bằng lưỡi lê và dao găm. Để giành chiến thắng, các chiến sĩ của ta đã dũng cảm và kiên trì đào đường hầm xuyên lên đỉnh đồi, nơi quân Pháp cố thủ trong căn hầm rộng, sâu và kiên cố để đặt khối bộc phá 960kg, đánh sập sự kháng cự của địch và cũng là hiệu lệnh cho đợt tổng công kích cuối cùng. Ngày nay, Đồi A1 nằm giữa thành phố Điện Biên Phủ đang đô thị hóa với tốc độ khá nhanh, diện tích di tích bị thu hẹp. Các đường chiến hào, rào dây thép gai, hố bộc phá đã được phục chế, tôn tạo nhưng lại mất đi cảm xúc với du khách. Thực sự là một thách thức và là kinh nghiệm cho Ban Quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ mỗi khi chọn đối tác phục hồi, tôn tạo di tích để di tích có “hồn” và chân thực lịch sử.

Ngay từ năm 2006, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên thể hiện quyết tâm triển khai xây dựng mới Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên và đầu tư kinh phí bảo tồn, tôn tạo một số di tích thành phần, đó là: Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; trận địa bao vây tiến công, nhóm tượng và phù điêu chiến thắng Him Lam… Đây được coi như những công trình trọng điểm để thiết thực Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cho đến nay, đã sát đến ngày kỷ niệm mà hầu hết các dự án thành phần này, dù đã trải qua nhiều năm triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dự án “Trận địa bao vây tiến công” dù được triển khai sớm với quy trình chặt chẽ, thể hiện công phu nhưng không thể bảo vệ bởi tính phi thực tế. Làm sao có thể xẻ giao thông hào biểu hiện cho thế bao vây tập đoàn cứ điểm của 4 đại đoàn (Sư đoàn 304, Sư đoàn 316, Sư đoàn 308, Sư đoàn 312) khi mà phố phường ken đặc, không có khoảng không hay diện tích dư thừa nào. Nhóm tượng và phù điêu ở chân đồi Him Lam cũng chưa biết bao giờ “động thổ”. Dự án “Bảo tồn, tôn tạo di tích Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ” rất được nhiều người quan tâm nhưng cho đến nay, hầu như vẫn giẫm chân tại chỗ. Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm đâu chỉ có căn hầm với nhiều vách ngăn lạnh lẽo, ẩm ướt, trống hơ trống hoác như chú thích ghi:“Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ PCGONO 29-11-1953/7-5-1954”.

Thách thức lớn

Có lẽ, điều hy vọng nhất và cũng là thách thức nhất với Ban Quản lý dự án khi ngày lễ kỷ niệm 60 năm cận kề là bằng mọi giá, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên phải được khánh thành trước ngày 7-5-2014. Điều ấy là khả dĩ nhưng vấn đề là lấy hiện vật ở đâu để lấp đủ diện tích khoảng 3000m2 trưng bày, trong khi hiện vật ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên đang lưu giữ và trưng bày khoảng hơn 2000 hiện vật, thể khối, tư liệu ảnh với diện tích 700m2. Kinh phí sưu tầm bổ sung, trưng bày bảo tàng mới là ở trong dự án nhưng sẽ quá muộn khi giờ đây mới tính tới “rót” kinh phí cho sưu tầm. Thật khó hy vọng rằng, với số lượng hiện vật đang trưng bày và lưu giữ ở bảo tàng cũ có thể đưa hết vào trưng bày mới. Chắc chắn có nhiều phòng bỏ không do không có hiện vật trưng bày, hơn nữa thời gian là quá gấp, bởi với hai tháng (từ đầu tháng 3 đến hết 30-4), thì khó có thể tổ chức trưng bày theo đúng nghĩa của nó do thiếu hiện vật và kịch bản trưng bày. Đây cũng có thể coi là bài học kinh nghiệm cho nhiều bảo tàng khi có dự án nâng cấp hoặc xây mới để tránh đi các quy trình ngược là tập trung cho phần xây-lắp, cốt có kiến trúc đã, bày cái gì tính tiếp.

Đi cùng nội dung trưng bày là việc thể hiện bức tranh toàn cảnh (Pa-nô-ra-ma), đây là điểm nhấn, là chủ thể của công trình kiến trúc bảo tàng rất đồ sộ, hoành tráng ngự trên diện tích hơn 20.000m 2 , riêng diện tích để thể hiện bức tranh vào khoảng 1.600m 2 . Nội dung thể hiện không khó, vấn đề là chọn chất liệu sơn dầu hay tranh kính mang tính đột phá để thể hiện bức tranh toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên (đồng hiện). Cho đến nay, việc chọn chất liệu thể hiện bức tranh vẫn còn đang tranh luận. Vì vậy, công chúng sẽ chưa được thưởng thức Chiến thắng Điện Biên vĩ đại thể hiện bằng mỹ thuật hoành tráng đầu tiên ở Việt Nam.

Ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên theo nghi lễ Quốc gia đã cận kề. Thành phố Điện Biên đang hối hả nâng cấp, sửa sang như những công trường. Hy vọng rằng, mọi sự rồi cũng chỉn chu, tốt đẹp, để Ngày hội hoa ban sẽ mang đậm bản sắc vùng Tây Bắc. Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Điện Biên Phủ trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng-an ninh của vùng chiến lược Tây Bắc Tổ quốc thì tỉnh Điện Biên cần được sự đầu tư của Chính phủ và xã hội hóa với hiệu quả hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là việc bảo tồn, tôn tạo di tích Chiến thắng Điện Biên, một di tích cấp Quốc gia đặc biệt, xứng tầm với lịch sử.

Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG