[Nhà đất-Báo Xây Dựng] - Bài 2: Lơ mơ trách nhiệm, mập mờ chức năng

Những giao dịch mua bán suất nhà TĐC khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thường được các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tư vấn "ngọt lịm" bằng "chiêu" được nợ tiền, khiến nhiều người nhẹ dạ "sập bẫy"… Song, nếu không có sự tiếp tay của những người quản lý phân phối nhà TĐC thì chắc chắn sẽ không thể có những vi phạm như vậy tồn tại trong suốt thời gian qua…

Những giao dịch mua bán suất nhà TĐC khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thường được các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tư vấn "ngọt lịm" bằng "chiêu" được nợ tiền, khiến nhiều người nhẹ dạ "sập bẫy"… Song, nếu không có sự tiếp tay của những người quản lý phân phối nhà TĐC thì chắc chắn sẽ không thể có những vi phạm như vậy tồn tại trong suốt thời gian qua…

"Lòe" người mua nhà tái định cư …

Chỉ cần vào mạng internet gõ dòng chữ "tìm mua căn hộ tại khu TĐC Nam Trung Yên", chúng ta dễ dàng thấy hàng loạt tên sàn BĐS đứng ra phân phối các căn hộ tại đây. Không những thế, các sàn BĐS này vô tư quảng cáo người mua chỉ cần đóng tiền chênh lệch và có thể nợ tiền gốc lẽ ra phải nộp cho Nhà nước. Theo một số người dân ở khu TĐC Nam Trung Yên, nhiều sàn BĐS và văn phòng công chứng đã "vẽ" ra các chiêu trò để "câu" người mua nhà. Qua quá trình điều tra, chúng tôi đã thu thập được "văn bản thỏa thuận" của một số sàn giao dịch BĐS và nhận thấy các sàn đều thỏa thuận với bên mua về nội dung được hoãn trả tiền gốc (tiền mua nhà TĐC phải trả cho Nhà nước), thậm chí có sàn còn ghi rõ thời hạn được hoãn trả là hai năm? Trong bản thỏa thuận này, sàn giao dịch BĐS còn cam kết "Hoàn thành thủ tục nhận căn hộ, mở điện, nước và các thủ tục xin phép sửa chữa căn hộ cho bên B - người mua"? Dư luận đặt câu hỏi: Không phải là đơn vị quản lý nhà TĐC, vậy sàn giao dịch này lấy đâu cơ sở mà có thể đưa ra các bảo đảm trên?

Lật giở một số hợp đồng ủy quyền qua văn phòng công chứng, chúng tôi còn biết người được ủy quyền (bên mua suất TĐC) được thực hiện tất cả các quyền liên quan đến việc sở hữu, định đoạt căn hộ như: liên hệ với cơ quan, tổ chức… để nhận căn hộ TĐC; sau khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bên B được giữ giấy chứng nhận và được toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt căn hộ khi tham gia các giao dịch: bán, cho thuê, cho mượn, tặng, thế chấp để vay vốn ngân hàng hoặc bảo lãnh cho bên thứ 3 vay vốn ngân hàng… Các hợp đồng ủy quyền thường có thời hạn rất dài, có thể lên đến 20 năm… Như vậy, với vỏ bọc là "hợp đồng ủy quyền", cùng những điều khoản nêu trên thì người ủy quyền thực chất không còn quyền gì với suất nhà TĐC của mình và bản chất của "hợp đồng ủy quyền" chính là hợp đồng mua bán căn hộ. Điều "nguy hiểm" ở đây là căn hộ đó vẫn chưa chính thức có quyết định bàn giao nhà của cơ quan chức năng và nếu người ủy quyền bỗng nhiên biến mất (có thể chết) thì bên được ủy quyền sẽ còn gặp phải rất nhiều rắc rối…

Theo Quyết định số 5858 ngày 14-12-2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc bán 60 căn hộ TĐC ở khu đô thị Nam Trung Yên thì các hộ được mua nhà phải nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước trước khi nhận nhà… Như vậy, ngoại trừ một số ít trường hợp được cơ quan chức năng chấp thuận cho trả tiền dần, các hộ còn lại đều phải trả tiền đủ một lần trước khi nhận nhà. Do đó, điều khoản được "hoãn", được "nợ" tiền gốc mà các sàn giao dịch BĐS đưa ra chỉ là chiêu "lòe" người mua nhà nhằm kiếm lợi nhuận…

Đơn vị mới tiếp nhận quản lý nói gì?

Nếu chỉ riêng các sàn BĐS hay văn phòng công chứng tham gia vào những giao dịch này thì chắc chắn người mua nhà đã không rơi vào "bẫy". Người đứng sau, tiếp tay cho giao dịch này phải kể đến chính là những người được UBND thành phố tin tưởng, giao trách nhiệm quản lý nhà TĐC. Trong quyết định bán nhà TĐC, UBND thành phố đã nêu rõ chỉ khi người được mua nhà TĐC hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới được giao nhà. Nhưng trên thực tế có nhiều người chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước vẫn được nhận nhà. Vậy, người quản lý nhà TĐC được gì trong những giao dịch đó? Theo phản ánh của người dân, những người mua lại nhà TĐC khi chính chủ chưa thực hiện đầy đủ thủ tục, muốn dọn về ở, phải mất một số tiền không nhỏ, có khi lên đến hàng chục triệu đồng cho người quản lý. Thậm chí, khi muốn sửa nhà, họ cũng phải mất thêm một khoản tiền nữa… Điều này khiến người dân vô cùng bức xúc vì đa phần những người mua lại suất nhà TĐC đều có hoàn cảnh khó khăn mới chọn mua nhà theo cách "đánh bạc" này…

Liên hệ với cơ quan đang có trách nhiệm quản lý nhà TĐC là Xí nghiệp Quản lý và dịch vụ đô thị, đại diện đơn vị này cho biết: Khu TĐC Nam Trung Yên gồm 18 tòa nhà với 2.200 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ khoảng năm 2005. Trước đây khu TĐC do Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý. Ngày 9-1-2013, UBND thành phố có Quyết định số 150/QĐ-UBND, giao Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội tiếp nhận quản lý, vận hành… các căn hộ tại khu TĐC Nam Trung Yên. Thực hiện quyết định trên, cuối tháng 6-2013 việc bàn giao giữa hai đơn vị đã được tiến hành. Tại thời điểm bàn giao, khu TĐC Nam Trung Yên có 537 căn hộ chưa có người ở, nhưng các bên mới chỉ bàn giao được 198 căn, còn 339 căn Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị (thuộc Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) vẫn chưa được tiếp nhận. Trong đó, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội vẫn chưa bàn giao cho Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị 321 căn hộ trống. Đặc biệt, trong quá trình tiếp nhận, Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị phát hiện có nhiều căn hộ trống nhưng trên thực tế đã có người đến ăn ở ổn định. Vì vậy, Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị đã phải đề nghị Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội phải giải tỏa các căn hộ này để hoàn trả lại căn hộ trống, bàn giao lại cho Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị… Tuy nhiên, đến nay đề nghị nêu trên vẫn không được Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội thực hiện.

Về những vấn đề trên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Đáp ứng tiến độ GPMB các DA trọng điểm, trong thời gian qua UBND thành phố Hà Nội đã cho phép khoảng 881 hộ được nhận nhà TĐC trước khi UBND thành phố có quyết định bán nhà. Trong số những hộ được bàn giao nhà trước khi có quyết định bán nhà của thành phố hiện vẫn còn hơn 86 trường hợp đến nay vẫn chưa có quyết định bán nhà. Đơn vị quản lý nhà và chủ đầu tư các dự án phối hợp với UBND các quận (nơi thực hiện DA) có trách nhiệm bàn giao căn hộ TĐC cho các hộ dân, hướng dẫn các hộ làm thủ tục ký hợp đồng cấp điện, nước… Các chủ đầu tư có trách nhiệm thu đúng, đủ số tiền bán nhà của các hộ nộp ngân sách nhà nước và lập hồ sơ bán nhà trình UBND thành phố ra quyết định bán nhà cho các hộ dân được TĐC. Ngoài ra, khi muốn cho các hộ dân nhận nhà TĐC trước khi có quyết định bán nhà của UBND thành phố thì phải có ý kiến của Sở Xây dựng. Những trường hợp không đáp ứng các điều kiện trên nhưng đã được nhận nhà TĐC thì đều là vi phạm và trách nhiệm thuộc đơn vị trực tiếp quản lý quỹ nhà.

Vì sao những căn hộ trống không được bàn giao dứt điểm? Có hay không những khuất tất trong quản lý quỹ nhà TĐC Nam Trung Yên mà trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội? Bao nhiêu hộ đã nhận nhà TĐC khi chưa được phép của cơ quan chức năng? Đây là những câu hỏi cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền làm sáng tỏ, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Theo hanoimoi.com.vn