[Nhà đất-Lao Động] - Đừng vì sợ “cành cong” mà quay lưng với cầu treo

Khởi nguồn từ cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, An Giang là địa phương đi đầu vùng ĐBSCL về phong trào nông dân (ND) tự thiết kế, thi công và đóng góp kinh phí xây dựng cầu treo, xóa cầu khỉ nông thôn.


Cầu treo Bình Chánh - Bình Phú (huyện Châu Phú).

Sau gần 2 thập niên phát triển, An Giang là địa phương có số lượng cầu treo dẫn đầu toàn vùng với 297 cây ở 10/11 huyện, thị, thành phố. Chất lượng cầu treo An Giang đang ở đâu? PV Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Tâm (ảnh) - Giám đốc Sở GTVT An Giang - xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, việc ND tự thiết kế - thi công như thời gian qua, chất lượng cầu treo ở An Giang hiện như thế nào?

- Cầu treo ở An Giang ra đời từ nhu cầu, sáng kiến và sự tự nguyện của người dân nông thôn. Nói cách khác, đây là công trình do ND tự tính toán, thi công và tự đóng góp kinh phí. Vì vậy, tất nhiên sẽ không đầy đủ về kỹ thuật thiết kế ... Tuy nhiên kết quả kiểm tra toàn diện mới đây cho thấy, sau gần 2 thập niên xuất hiện vẫn chưa phát hiện sự cố đáng tiếc. Thậm chí có nhiều cầu treo vẫn sử dụng tốt sau 15 năm xây dựng.

Lâu nay ngành chức năng bỏ ngỏ công tác quản lý?

- Đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có văn bản chính thức về quy chế khai thác, bảo trì cầu treo nên công tác quản lý nhà nước cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, có một điều rất rõ là sự ra đời của những chiếc cầu treo thay thế cầu khỉ đã góp phần to lớn vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển.

Có nghịch lý hay không khi “công trình chân đất” nhưng lại có chất lượng cao?

- Có nhiều yếu tố tạo nên chất lượng. Thứ nhất, phần lớn lực lượng thi công làm việc với tinh thần từ thiện xã hội nên họ làm có trách nhiệm trong từng thao tác; trong việc chọn vật tư, vật liệu. Nhiều nơi, đơn vị thi công miễn phí này còn đóng góp thêm tiền để công trình đảm bảo chất lượng cao. Thứ hai, sự giám sát của nhân dân được phát huy cao độ... Bên cạnh đó, đội ngũ “kỹ sư chân đất” có cách tính toán theo kiểu “trừ hao” rất rộng nên công trình có được tính ổn định cao. Thí dụ, cầu treo Bình Phú - Bình Chánh (huyện Châu Phú) có 4 cụm trụ, mỗi trụ được cấu thành bởi 10 cột bêtông dự ứng lực được cố định xuống đất bằng lực tương đương 5 tấn, nhưng sau khi hoàn thành, nhà thiết kế chỉ ấn định tải trọng tối đa của chiếc cầu là 3 tấn.

Sau sự cố cầu treo ở Lai Châu, nhiều người tỏ ra e dè với cầu treo, quan điểm của ông thế nào?

- Thực tế ở An Giang đã chứng minh, các “công trình sư chân đất” đã không ngừng cải tiến vật liệu, kỹ thuật và thường xuyên quan tâm tiếp nhận khoa học. Cụ thể là sau thời gian đầu xây dựng bằng gỗ... với kỹ thuật dây “võng”, mấy năm nay phần lớn cầu treo được chuyển sang xây bằng sắt, thép, bêtông với kỹ thuật dây “văng” nên chất lượng sử dụng và tính bền vững cũng cao hơn. Đặc biệt, có nhóm còn đào tạo và tiếp nhận kỹ sư cầu đường vào làm việc nên chất lượng cầu treo ngày càng an toàn hơn, thẩm mỹ hơn. Thay vì quay lưng, chúng ta nên có cái nhìn đa chiều; trong đó nên xác lập cơ chế hỗ trợ vừa để bổ sung, hoàn chỉnh các công trình đã xây dựng, đồng thời tiếp sức để các “công trình sư chân đất” cho ra đời thế hệ cầu treo ngày càng chất lượng, khoa học với giá thành rẻ.
- Xin cảm ơn ông!