[Nhà đất-BizLive] - Dự án phát triển khu kinh tế ở Kon Tum: Tan giấc mơ… Bờ Y

Việc quy hoạch phát triển Khu kinh tế tại cửa khẩu Quốc tế Bờ Y được “vẽ” trên giấy với rất nhiều từ ngữ về lợi thế, tiềm năng. Thế nhưng “siêu dự án” với tổng kinh phí đầu tư 186.726 tỷ đồng đã “chết yểu” từ nhiều năm nay. Dự án đã lộ ra nhiều “lỗ hổng” về quy hoạch.


"Tài sản" mà cửa khẩu Bờ Y có được chỉ là hai tuyến đường NS - NT18 và quốc lộ 40.

Vỡ mộng

Nằm ở vị trí “vàng” tại ngã ba Đông Đương, có cửa khẩu quốc tế với Lào, cửa khẩu chính với Campuchia, cửa khẩu quốc tế Bờ Y (CKQTBY) nằm trong đề án chiến lược “Ba quốc gia - một điểm đến”, là trung tâm trong tam giác phát triển của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Việc quy hoạch phát triển khu kinh tế (KKT) cửa khẩu sẽ trở thành đầu mối giao lưu kinh tế trong khu vực, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trên tuyến thương mại quốc tế nối từ Myanmar đến Đông bắc Thái Lan, sang Nam Lào với điểm đến quan trọng là khu vực Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung, rồi từ đây tỏa đi những hải cảng lớn như Liên Chiểu (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định).

Riêng đối với tỉnh Kon Tum, KTT cửa khẩu sẽ là đầu tàu kéo toàn tỉnh phát triển, sánh ngang với các tỉnh, thành khu vực. Dự tính năm 2025, Bờ Y sẽ trở thành đô thị loại II, bao quanh là các khu công nghiệp, thương mại - du lịch - giải trí sầm uất; góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ…

Với vị thế, tiềm năng cần “đánh thức”, ngày 8/2/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quyết định số 255/QĐ-TTg điều chỉnh quy hoạch KKT Bờ Y với diện tích 70.438 ha bao gồm 6 xã và 1 thị trấn. Số tiền từ ngân sách Nhà nước (NSNN) rót vốn đầu tư, ước tính 186.726 tỷ đồng.

Ông Vũ Mạnh Hải - Phó ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Bờ Y - nhấn mạnh: “Việc quy hoạch sẽ tạo đà thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản vì nguồn nguyên liệu ở đây sẵn có, dồi dào. Mức độ luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách và phương tiện xuất nhập cảnh lớn, do đó việc thông thương trao đổi mua bán với Lào, Campuchia sẽ khơi thông”.


Khu kinh tế Bờ Y đìu hiu, thưa thớt người và phương tiện nhập cảnh.

Ngày 24/7/2008, Phó Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Sinh Hùng cùng Phó Thủ tướng Thường trực Lào - ông Somsavat Lengsavad đã đến khảo sát KKTCKQT Bờ Y như một điều khẳng định vị thế của Bờ Y sẽ phát triển nay mai. KKT được các nhà đầu tư đổ tiền vào triển khai các dự án khu công nghiệp, thương mại.

Viễn cảnh về một đô thị Bờ Y hiện lên trên nét mặt hân hoan của những người đổ công sức, tiền bạc vào dự án. Cửa khẩu như một cái bánh vẽ ra, thu hút hàng trăm dự án đến đăng ký đầu tư xây dựng. Có những dự án lên đến vài tỷ USD như: Dự án đầu tư vui chơi giải trí quốc tế, dự án khu thương mại quốc tế…

Thế nhưng sau một vài năm động thổ, các nhà đầu tư đã “bỏ của chạy lấy người”. Những dự án ngấp nghé đầu tư “ngửi” thấy mùi “lỗ” đã quay lưng đi tìm điểm đầu tư khác. Bờ Y bây giờ thực sự hiu quạnh, ảm đạm. Các dự án nhỏ “cực chẳng đã” lỡ đầu tư nên phải hoạt động như níu sự sống cho Bờ Y đang hấp hối.

Lỗi do đâu?

Bờ Y hiện tại mới chỉ có 24 dự án đầu tư. Chủ yếu là các dự án có quy mô nhỏ lẻ như khai thác vật liệu xây dựng, chế biển mủ cao su, nông sản, xăng dầu… với số vốn đăng ký là 508 tỷ đồng. “Nhưng cũng phát triển èo uột, rất cầm chừng”, ông Phùng Chí Đính - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch ban Quản lý dự án CKQTBY nói.

Cơ sở hạ tầng mà KKT có được đến tận giờ chỉ là hai tuyến đường NS - NT18 từ cửa khẩu Bờ Y nối đường mòn Hồ Chí Minh đi Quảng Nam - Đà Nẵng và tuyến quốc lộ 40 nối Bờ Y đi Ngọc Hồi. Chấm hết.

KKTCKQT đã không như “kỳ vọng”, những dự án tầm cỡ như Khu trung tâm hành chính, khu Trung tâm thương mại quốc tế và các khu công nghiệp... vẫn còn nằm trên giấy. Ban quản lý dự án cửa khẩu đã phải thu hồi giấy phép của 40 dự án vì không triển khai. Bờ Y vẫn… y như năm 1999.

Theo như quy hoạch, mục tiêu phát triển KKT Bờ Y đặt ra là quá lớn, thời gian thực hiện quá ngắn, vốn đầu tư của Nhà nước không đáp ứng nhu cầu. Tổng vốn NSNN đã đầu tư cho KKT giai đoạn 2001 - 2014, đến nay chỉ có 1.596 tỷ đồng thay vì tổng nhu cần vốn phải đầu tư là 82.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, NSNN đầu tư vào CKQT Bờ Y từ 40-50 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 6% nhu cầu tiến độ xây dựng hạ tầng. Nguồn vốn của nhà nước đổ vào KKT thực sự là muối bỏ bể so với quy hoạch chung đã phê duyệt?.


Báo cáo số 33/BC-BQLKKT của Ban quản lý KKT nêu rõ những văn bản pháp luật của tỉnh Kon Tum chồng chéo, đá nhau gây ảnh hưởng cho nhà đầu tư. Ngoài sự chậm trễ từ ngân sách, cơ chế, sách lược phát triển KKT của tỉnh Kon Tum tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập góp phần làm “chết” dần dự án. Báo cáo số 33/BC-BQLKKT của Ban quản lý KKT nêu rõ: “Việc quy hoạch KKT và quy hoạch ngành, quy hoạch khác ở địa phương chồng chéo, “đá nhau”, mô hình quản lý, cơ cấu tổ chức chưa ổn định…”.

Ngoài ra, Bờ Y hiện tại không có quỹ đất sạch, đất chưa được đền bù, nhà đầu tư phải tự thỏa thuận giá trị đền bù với người có đất, vì vậy hầu hết các dự án đã đăng ký không thể triển khai.

“Nguyên nhân là do không có vốn để giải phóng mặt bằng. Ở những nơi khác, quỹ đất sẵn có, nhà đầu tư chỉ việc lắp đặt máy móc vào hoạt động thôi. Giờ ở Bờ Y, nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đền bù, giải phóng đất nên họ không dám đầu tư cũng là điều dễ hiểu”, ông Đính chua chát.

Để KKT Bờ Y thoát khỏi bờ vực hiu quạnh, hoang hóa. Kiến nghị của UBND tỉnh Kon Tum vẫn là tăng cường ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từ trung ương. Thế nhưng, những lỗ hổng trong quản lý, quy hoạch của tỉnh này lại chưa được điều chỉnh một cách kịp thời đã vô tình đẩy các nhà đầu tư quay lưng với dự án.

Theo Lao Động