(HNM) - Hôm qua, 17-3, thí sinh (TS) tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 bắt đầu khai và nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường. Để hướng dẫn TS khai hồ sơ chính xác, hạn chế tối đa sai sót, nhất là với những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh năm nay, ngay sau hội nghị triển khai công tác tuyển sinh do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, phóng viên Báo Hànôịmới đã phỏng vấn ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp.
- Thưa ông, với những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, hồ sơ ĐKDT của TS năm nay có điểm gì khác? - Ngoài mục dành cho TS dự thi liên thông lên CĐ hoặc ĐH, điểm rõ nhất trong mẫu hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ năm 2014 là bổ sung mục dành cho TS ĐKDT vào các trường tổ chức tuyển sinh riêng. Theo quy định chung, TS phải tự ghi từ mục 2 đến mục 18 trong hồ sơ (ở mặt trước túi hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2); ghi phần chữ vào nơi có đường kẻ chấm, phần số vào các ô tương ứng bên phải. TS lưu ý không được tẩy xóa, không được dùng bút phủ, phần số phải ghi bằng dạng chữ số cụ thể là 1, 2, 3… chứ không ghi bằng chữ số La Mã (I, II, III…). - Những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh cũng sẽ khiến cho việc khai hồ sơ ĐKDT của TS có những thay đổi so với trước? - Để hạn chế sai sót khi khai hồ sơ, TS cần đọc kỹ phần hướng dẫn ở mặt sau phiếu ĐKDT, nhất là ở các mục liên quan đến nguyện vọng (NV) bởi đây là mục có nhiều thay đổi so với năm trước. Cụ thể, nếu TS có NV sử dụng kết quả của kỳ thi chung để xét tuyển, tại phần cuối mục 2 trong phiếu ĐKDT cần đánh dấu vào ô “tham gia kỳ thi chung của Bộ”; nếu có NV xét tuyển theo phương án tuyển sinh riêng thì đánh dấu vào ô “tham gia đề án tuyển sinh riêng của trường”; nếu TS có cả hai NV thì đánh dấu vào cả hai ô trên. Đối với TS có NV đăng ký vào các ngành, trường tuyển sinh riêng, ngoài việc điền các nội dung trong phiếu ĐKDT, cần nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường. Trong trường hợp chưa nộp đủ hồ sơ, TS cần ghi rõ trong phiếu ĐKDT những giấy tờ còn thiếu và phải bổ sung trong khoảng thời gian đã được quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh của trường. - Trong trường hợp TS có NV học tại trường không tổ chức thi tuyển sinh thì sao, thưa ông? - Mục 3 trong phiếu ĐKDT là mục dành cho TS thuộc diện này. Thực tế làm công tác phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ nhiều năm qua cho thấy đây là mục TS thường hay nhầm lẫn nhất, vì vậy, các TS cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi khai để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Đây là mục chỉ dành cho TS có NV học tại trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, hoặc trường CĐ thuộc các ĐH. Những TS này không cần ghi mã ngành ở mục 2 (là trường sẽ dự thi nhưng không có NV học), nhưng tại mục 3 phải ghi đầy đủ các nội dung yêu cầu. - Vậy còn cách khai hồ sơ của TS dự thi liên thông có điểm gì cần lưu ý để tránh nhầm lẫn với các TS khác? - Với TS dự thi liên thông lên CĐ hoặc ĐH thì sau khi khai các mục như đối với các TS khác, cần lưu ý khai ở hai mục: Mục 4, đánh dấu “X” vào ô bên phải; tại mục thứ 14, TS cần ghi rõ tên trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề hoặc CĐ và năm TS đã tốt nghiệp. Các TS cần nhớ, nếu mình không thuộc đối tượng dự thi liên thông thì bỏ trống hai ô này. - Với số lượng TS nhiều nhất cả nước, công tác phát hành hồ sơ ĐKDT và các tài liệu về tuyển sinh ĐH, CĐ tại Hà Nội được triển khai ra sao để kịp thời phục vụ TS trong việc khai và nộp hồ sơ? - Sau khi nhận được mẫu hồ sơ ĐKDT do Bộ GD-ĐT phát hành, Sở GD-ĐT đã triển khai ngay việc in hồ sơ với số lượng dự kiến đáp ứng đủ nhu cầu cho khoảng 76 nghìn TS đang học lớp 12 và TS tự do có NV nộp hồ sơ ĐKDT tại Hà Nội. Các tài liệu liên quan như cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014”, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ… sẽ được phát hành tới các nhà trường ngay khi Bộ GD-ĐT phát hành để TS kịp thời hoàn thiện hồ sơ theo quy định, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thu hồ sơ của đơn vị và toàn thành phố. - Việc tổ chức thu hồ sơ ĐKDT của TS tại Hà Nội được bố trí như thế nào để thuận tiện cho TS và tránh tình trạng lộn xộn, thất lạc hồ sơ, thưa ông? - Để tránh nhầm lẫn trong quá trình thu hồ sơ, chúng tôi phân TS vào hai đối tượng. Thứ nhất, TS đang học lớp 12 tại trường THPT có mã đơn vị ĐKDT (do Sở GD-ĐT quy định hằng năm) thì nộp hồ sơ tại trường; thứ hai, TS đang học lớp 12 tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, CĐ nghề, trung cấp nghề không có mã đơn vị ĐKDT và TS tự do thì ghi mã đơn vị ĐKDT của phòng GD-ĐT trên địa bàn quận, huyện nơi trường đóng và nộp hồ sơ tại các phòng GD-ĐT quận, huyện đó. 29 địa điểm nhận hồ sơ của các phòng GD-ĐT cũng đã được công bố, sẵn sàng phục vụ TS. - Xin cảm ơn ông!
|